Hãy cứ khóc, lòng sẽ nhẹ nhàng hơn!

18 lượt xem

Sau hơn 1 tháng nói chuyện cùng Vân, tôi mới đủ can đảm để viết lại những cảm xúc nặng trĩu. Nhìn lại những giọt lệ rơi của em, tôi cũng không cầm được nước mắt!

Vân, 16 tuổi, sống tại vùng miền núi tỉnh Lạng Sơn. Tôi gặp em trong chuyến công tác đầu năm 2025. Cô bé là nạn nhân của tình trạng di dân bất hợp pháp. Đó là thông tin duy nhất tôi có được.

Lần đầu tiếp xúc, tôi tưởng không thể khai thác được gì từ em. Sự hồn nhiên đến mảy may của Vân khiến tôi tưởng em khá vô tư, ít tâm tư và không mở lòng. Nhưng không, tôi đã lầm!

Tôi mời Vân tiếp chuyện với mình trong chính căn bếp củi của gia đình. Gian bếp ấy, tôi thấy có hơi ấm gia đình nhất, dù còn thiếu thốn.

1. Bố Vân mất cách đây không lâu do tâm bệnh và bệnh nan y. Người đàn ông ấy chọn tự kết liễu cuộc đời. Bố của em nghiện rượu nặng, từ 14 năm về trước. Khi ấy, mẹ của em quyết định vượt biên sang Trung Quốc để tìm chân trời mới hơn. Dù ai cũng khuyên can nhưng vô phương. Năm ấy, Vân vừa được cai sữa. Anh trai Vân cũng còn rất nhỏ.

Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra, kể cả bố của Vân. Nhớ vợ, tủi nhục và sự tự tôn của người đàn ông bị đạp đổ. Anh tìm đến rượu. Tính tình người đàn ông ấy cũng từ đó thay đổi. Lần đầu tiên người mẹ già bị con trai vốn hiền lành quát tháo, những trận đòn roi cũng bắt đầu trút xuống trên hai đứa nhỏ. Nhưng không ai trách, họ đều hiểu.

Khi bố của Vân quyết định mở lòng đi tìm tình yêu mới, được một thời gian, anh bị khước từ. Suy sụp! Chẳng có cầu vồng nào sau mưa. Khoảng thời gian ấy, anh cũng được bác sĩ phát hiện mình bị bạo bệnh sau thời gian dài nghiện rượu. Nhà nghèo và cũng chẳng có lí do sống tiếp. Thế là, Vân và anh trai mồ côi cha.

– Em cần gì nhất khi biến cố ấy xảy ra? – Tôi hỏi Vân.

– Dạ mẹ em! – Vân trả lời. Tôi gật đầu, tôi thầm nghĩ rằng cô bé đang mong cầu hơi ấm mẹ, tình thương mẹ sau bao năm xa cách. Mất cha, tôi tưởng Vân không muốn mất thêm mẹ.

– Em muốn mẹ phải chịu trách nhiệm về sự ra đi của bố. Vì mẹ mà bố thay đổi, vì mẹ mà bố quyết định tự tử.

Tôi choáng váng. Những lời này xuất phát từ miệng cô bé hồn nhiên, ít nói ư. Tôi định hỏi điều gì đó mà chính mình chưa thể nghĩ ra. Nhưng, thôi! Nước mắt em đang rơi và tim tôi đang bị bóp nghẹt.

Vân kể, những ngày để tang bố, em chỉ dám ngồi nép vào một góc. Vân không khóc. Đúng hơn, em không dám khóc. Vân sợ những ánh mắt dèm pha, thương hại…

2. Vân chấp nhận sự dèm pha “đứa không mẹ”. Em quá quen với điều ấy rồi, không có hơi ấm mẹ bao năm nay cũng chẳng sao. Sự tủi nhục nhất của cô bé có lẽ là biến cố mồ côi cha. Bố mất cũng là mọi hi vọng của em cũng lụi tàn.

Chưa khi nào, cô bé trách bố sau những trận đòn roi. Em bảo đó là “chuyện đương nhiên mà”. Nghe mà đau! Ở tuổi trăng tròn, cô bé chấp nhận san sẻ nỗi đau của bố sang cho mình. Đòn roi có lẽ là điều duy nhất mà cô bé có thể giúp bố.

Tôi hỏi em có bao giờ giận bố không? Em bảo không. Rồi em vội nấc. Tôi cũng nghẹn!

Tuổi lên 3 là lúc con trẻ cần nhất những sự chỉ dạy, những lời giải đáp và tình thương. Nhưng với Vân, từ độ ấy em dần chứng kiến những thay đổi tiêu cực từ bố. Có lẽ phải mất khá lâu để em dần hiểu nguyên nhân.

Những lúc không rượu, có lẽ bố Vân cũng rất hiền lành. Nhưng em bảo, cũng rất ít khi em có thể tâm sự cùng bố, ôm bố. Bởi, Vân cũng khá giống mẹ. Không rượu cũng là lúc lí trí người ta bình thường nhất, thâm tâm bố của Vân lại đớn đau. Nhìn con gái, lại nhớ vợ, rồi lại tìm đến rượu để quên. Vòng luẩn quẩn ấy có khi nào cách xa được lâu.

3. Vân bảo hận mẹ. Hận nhất là khi không thể về thắp cho bố một nén nhang. Em cầu xin, chỉ cần mẹ về và thắp cho bố một nén nhang thì coi như chưa có gì xảy ra. Vân nguyện sẽ phụng dưỡng mẹ và không lời oán trách. Phép lạ mà Vân mong cầu là mẹ về nhà. Nhưng, chẳng có phép lạ nào.

Nhiều lần nói chuyện với mẹ qua mạng xã hội weibo, Vân chỉ chào hỏi cho có lệ. Có những lần em lẩn tránh nhưng bà nội khuyên nên em cũng chỉ nói đôi ba câu.
– Em có hỏi, bên đó mẹ có gia đình mới chưa?
– Em không dám.
– Vì sao?
– Em sợ mẹ phải tìm lí do để nói dối.

Những câu nói của một cô bé nhưng nặng trịch, đầy sát thương. Chuyện mẹ có gia đình mới với Vân đã không còn quan trọng, đó là quyền. Bởi, trước đây người phụ nữ đã bỏ rơi hai anh em Vân thì sau nhiều biến cố, cô bé có quyền khước từ những tình cảm mà bao người gọi là thiêng liêng.
Nói về mẹ, Vân không còn mong chờ điều gì cả. Mắt em nguội, có đôi lần nhíu lại như bụi bay lạc vào mắt.

4. Tôi nhờ Vân cùng một vài cô bé diễn hoạt cảnh các bé gái đang chơi trên cánh đồng ngô cho một phóng sự. Cô bé nào cũng cười thật tươi, nô đùa và sảng khoái. Vân cũng vậy. Nhưng nụ cười của em nặng nề đến lạ, nó trĩu nặng vô cùng. Có thể cô bé luôn tự ti về mái ấm của mình. Nhìn em cười mà lòng tôi cứ nhói đau.

Trên chuyến bay trở về lại Sài Gòn, tôi nhìn lại bức hình em đang khóc. Nước mắt tôi cũng tuôn trong vô thức. Những câu nói ngắn gọn, run rẩy và đầy sắc sảo khiến tim tôi đau. Tôi không hiểu, 14 năm qua bao nhiêu lần trái tim Vân đã rỉ máu?! Không ai biết được, kể cả chính em.

Tôi đã thuyết phục được em lần đầu tiên chia sẻ và khóc cùng người lạ. Coi như giúp em nhẹ lòng được phần nào. Nhưng trong ánh mắt của Vân, tôi lại thấy ân hận vì điều đó. Giá như để em chôn sâu những hình ảnh không muốn, không đáng nhắc tới sẽ hay hơn. Em ít cười, đáng ra tôi đừng để em phải khóc!

Vân dẫn tôi lạc vào trong mê cung của mình. Tôi chạm vào được những cảm xúc của em, ngược dòng quá khứ để hiểu cô bé hơn.

Nhưng có lẽ, khóc được vẫn hay hơn. Chia sẻ được lòng sẽ nhẹ nhàng hơn đôi chút. Tôi nghĩ vậy! Nếu khóc được, hãy cứ khóc, để gạt bỏ những điều không đáng mà bước tiếp, lạc quan hơn nhé.

Vincent Lê Bình

Nguồn: caritasvietnam.org