Caritas Và Vatican Dẫn Đầu Lời Kêu Gọi Chấm Dứt Khủng Hoảng Nợ Tại Hội Nghị Của Liên Hợp Quốc

24 lượt xem

Caritas Và Vatican Dẫn Đầu Lời Kêu Gọi Chấm Dứt Khủng Hoảng Nợ Tại Hội Nghị Của Liên Hợp Quốc

Một viên chức cấp cao của Vatican đã tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế có “nhiệm vụ” cải cách hệ thống tài chính quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đang gây ra tình trạng đói nghèo trên toàn thế giới.

Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia, Sứ thần Tòa thánh và Quan Sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp quốc, đã phát biểu tại một hội nghị cấp cao của Liên Hợp quốc rằng “chính sách tài chính và kinh tế phải phục vụ con người”, chứ không phải “ngược lại”.

Đức Tổng giám mục Caccia đã phát biểu với tư cách là một thành phần của sự kiện do Vatican và các thành viên của mạng lưới viện trợ và phát triển toàn cầu của Giáo hội, Caritas Quốc tế tổ chức. Sự kiện diễn ra tại Hội nghị Quốc tế lần thứ Tư của Liên Hợp quốc về tài trợ cho phát triển, tại Seville, Tây Ban Nha, nơi các chính phủ được kỳ vọng sẽ đưa ra các cách thức đảm bảo rằng các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có đủ nguồn tài chính cần thiết để cung cấp các dịch vụ công cơ bản và giải quyết tình trạng đói nghèo.

Liên Hợp quốc gần đây đã phát hiện ra rằng cuộc khủng hoảng nợ mà nhiều quốc gia đang phát triển phải đối mặt đang đi đến mức độ mới chưa từng thấy trong hơn hai thập kỷ, dẫn đến những sự đánh đổi tàn khốc về phát triển. Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Caccia cho biết:

Thật đáng báo động và rõ ràng là các nước đang phát triển ngày càng bị buộc phải đưa ra những lựa chọn bất khả thi giữa việc trả nợ và phục vụ người dân của họ. Trong Năm Thánh này, Giáo hội kêu gọi chúng ta hãy mạnh dạn trong nỗ lực giải quyết những bất công này.
Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia

Đức Tổng Giám mục cũng nói thêm rằng các cải cách phải đảm bảo rằng “việc vay và cho vay phải minh bạch, có sự tham gia, có trách nhiệm giải trình và bền vững để không có chính phủ nào bị buộc phải chuyển hướng các khoản đầu tư quan trọng vào chăm sóc sức khỏe và giáo dục sang việc trả nợ”.

Alistair Dutton, Tổng thư ký Caritas Quốc tế, đã phát biểu tại sự kiện rằng cuộc khủng hoảng về nợ là vấn đề “ít đau đớn nhất” trong tài chính toàn cầu cần giải quyết. Dutton hoan nghênh các cam kết từ các quốc gia tham gia hội nghị của Liên Hợp quốc về việc xem xét các biện pháp ngăn chặn các chủ nợ từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán để tái cấu trúc nợ, cũng như cam kết của các tổ chức tài chính lớn trong việc xem xét cách làm cho những gánh nặng nợ bền vững hơn và ngăn chặn các quốc gia phải đối mặt với khủng hoảng.

Năm Thánh trong Giáo hội Công giáo không chỉ là thời gian của hy vọng mà còn là nhiệm vụ cho công lý.
Alistair Dutton, Tổng thư ký Caritas Quốc tế

Sự kiện thảo luận cũng có sự tham gia của các chuyên gia tài chính toàn cầu Penelope Hawkins, Trưởng phòng Tài chính Nợ và Phát triển tại UNCTAD; Giáo sư Attiya Waris, Chuyên gia độc lập của Liên Hợp quốc về nợ nước ngoài và nhân quyền; và Jwala Rambarran, Cố vấn Chính sách Cấp cao của Trung tâm Phát triển Chính sách Caribe. Các chuyên gia nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các cơ chế tái cấu trúc nợ bảo vệ nhân quyền và quyền phát triển, đồng thời nêu bật cách các quốc gia ở Nam Bán cầu đang mắc kẹt trong chu kỳ phụ thuộc vào nợ nần và thắt lưng buộc bụng, ngăn cản họ đầu tư đầy đủ vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thích ứng với khí hậu.

Sự kiện được Caritas Châu Âu, CAFOD, Caritas Tây Ban Nha, Caritas Mỹ, Caritas Canada – Phát triển & Hòa bình, Caritas Châu Phi, phối hợp và đồng tài trợ.

Nguồn: Caritas Việt Nam

BTT Caritas Hà Tĩnh

Có thể bạn quan tâm